Nhà bà nằm nép dưới chân đồi,ộccủarừblox fruit stock lọt thỏm giữa vườn cây um tùm. Mùa này nhãn chín, từng chùm quả trĩu xuống trông đến là mê. Khách nhìn quanh không thấy ai, chưa kịp cất tiếng gọi thì con chó đã nhào ra sủa inh ỏi. Một đứa bé tầm mười tuổi thò đầu ra khỏi tán cây, cổ đeo khẩu súng chun lủng lẳng, lễ phép hỏi:
- Bác tìm ông bà cháu có việc gì không ạ?
- À bác đến để nhờ bà cắt thuốc. Thế ông bà cháu có nhà không?
- Ông cháu đi làm xa. Còn bà cháu chắc trên rừng ạ. Bác chờ một chút để cháu gọi bà về.
Lời chưa kịp dứt mà thằng nhỏ đã chạy tót đi. Khách ngước theo chợt thấy thương cái dáng nhỏ thó chênh vênh trên sườn đồi thoai thoải. Một lúc sau thì thấy bóng dáng một người đàn bà vác theo bó củi xuống đồi. Chống con dao liềm quắm xuống đất, quỵ gối, hạ bó củi trên vai lên thềm nhà, bà Thoan thở không ra hơi. Bỏ chiếc nón đội đầu xuống quạt lấy quạt để bà quay ra hỏi khách:
- Cháu tìm cô có việc gì à?
- Cô ạ. Cháu được người ta mách cô cắt thuốc chữa sỏi thận tốt lắm nên đến nhờ cô cắt cho mẹ cháu.
Bà Thoan ngẩn người mấy giây cười bảo khách:
- Bao năm rồi mới lại thấy có người đến nhờ cắt thuốc. Cô cứ nghĩ bây giờ trên mạng người ta quảng cáo bán thuốc nam ầm ầm. Cứ đặt hàng một cái là có người ship đến tận nhà, chẳng ai còn lặn lội đến đây nhờ cắt thuốc nữa. Mà mẹ cháu đi khám chưa? Bác sĩ bảo thế nào?
- Mẹ cháu từng mổ lấy sỏi rồi nhưng vẫn bị tái phát. Lần trước mổ xong mẹ cháu bị nhiễm trùng vết mổ, rõ khổ. Giờ mẹ cháu sợ dao kéo lắm, muốn chữa bằng thuốc nam cho an toàn ạ.
Bà Thoan mời khách vào nhà, xuề xòa lau qua lớp bụi đọng lại trên bàn. Nhìn bộ ấm chén khách biết lâu rồi nhà không có người đến chơi. Như hiểu được ánh nhìn của khách, bà phân trần:
- Cháu thông cảm. Chú đi làm vắng, thành ra không có khách đàn ông đến uống chè. Chỉ thỉnh thoảng khách đàn bà đến chơi quen đứng ngoài sân, ngoài vườn vừa làm vừa chuyện. Chè để lâu uống cũng không ngon, thôi cháu uống tạm chén nước lọc.
- Chú đi làm tận đâu ạ?
- À thì đi theo phụ xây cho đứa cháu dưới Hà Nội. Cũng già yếu rồi nhưng ở nhà thì không làm ra tiền. Đất chó ăn đá gà ăn sỏi, trồng trọt hoa màu chẳng ăn thua. Chỉ trông chờ vào rừng. Mà rừng thì năm, bảy năm mới thu một đợt. Nhắc đến rừng mới nhớ, ngày xưa rừng còn rậm rạp thì cây thuốc nhiều. Chứ giờ nhà nào cũng phát quang bụi rậm để cây trồng phát triển tốt nên cây thuốc hiếm. Nhưng cứ để cô kiếm xem sao, vài ngày nữa cháu quay lại. Thuốc lấy về còn phải băm phơi vài nắng.
Đúng ba ngày sau khách quay lại, vừa đến cổng đã thấy mấy mẹt thuốc phơi ngoài sân. Bà Thoan cẩn thận bốc thuốc gói thành từng thang một, không quên giới thiệu về từng loại:
- Đây là cây bìm bìm, dây leo có vị ngọt tính hàn rất tốt chữa đái giắt, đái buốt, tiểu không thông. Giống này ở đây khó tìm nhất. Cô đi mấy dải đồi mới lấy được một ít. Đây là kim tiền thảo. Đây là cây nhọ nồi. Xưa chúng mọc quanh nhà, giờ cũng tìm mỏi mắt. Đây là râu ngô, vụ nào cô cũng mang phơi cất để dành uống cho lợi tiểu. Còn mấy loại nữa, cháu có nhớ hết được không? Nếu ở chỗ cháu mà cũng có mấy loại này thì cứ hái về đun cho mẹ uống. Khỏi phải đi xa vất vả. Mà lát nữa cháy nhổ ít cây thuốc con về trồng ở vườn nhà cho tiện.
- Cháu thấy người ta hay giấu phương thuốc lắm. Cô kể hết ra thế không sợ lộ ạ?
- Ôi giời! Cô cũng nhờ có người mách mà biết được. Nhờ vậy mà chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người. Những bài thuốc hay càng nhiều người biết đến thì các tốt chứ. Thảo dược an toàn, lành tính lại có trong tự nhiên nên tiết kiệm chi phí cho những người không có điều kiện cháu à.
Bỗng ngoài cổng vang lên tiếng thằng nhỏ, nó khoái chí reo vang khi nhặt được ngoài rừng một ổ trứng gà. Lấy vạt áo đựng trứng, thằng nhỏ hớn hở kể với bà:
- Của con gà hoa mơ đấy bà ạ. Cháu rình nó mấy hôm rồi, nó làm tổ khéo ơi là khéo rất khó mà phát hiện ra. Bà xem này, mười ba quả to tròn.
- Cu Tý giỏi quá, để bà cóp vào bán lấy tiền mua quần áo mới cho cháu đi học nhé.
Thằng nhỏ nhoẻn cười, trên tóc nó còn bám đầy mạng nhện. Nhìn theo dáng thằng nhỏ khách tò mò hỏi:
- Bố mẹ thằng nhỏ cũng đi làm ăn xa hay sao mà cháu đến hai lần không gặp?
- Đều đã đi xuất khẩu lao động. Khổ là sang đó không thuận lợi như người ta. Việc làm không đều, lương thấp. Lay lắt mãi vẫn chưa trả xong khoản vốn vay để đi. Mà thôi, cứ mải chuyện tí nữa trời tối mất. Chịu khó leo đồi, cô chỉ cho mấy cây thuốc con mà nhổ mang về trồng.
Khách đi theo chân bà, ngó nghiêng hỏi có phải vùng đất này xưa trồng toàn sắn? Lúc khách còn đóng quân ở doanh trại bộ đội gần đây, có đêm hành quân qua khu vực này yên ắng, âm u chỉ nghe thấy tiếng quốc kêu gọi bạn. Thỉnh thoảng một con chim lợn vút qua đầu rơi xuống những tiếng kêu rợn người. Gần chục năm quay lại nơi này cũng không khác là bao. Chỉ không còn những bụi sim, mua như ngày xưa, đúng là rừng đã được người dân chăm chút hơn nhiều. Bà kể với khách về những năm rừng còn là dải đồi hoang sơ cằn cỗi. Bà theo chồng xin đất khai hoang, dựng lên ngôi nhà lá đầu tiên bằng lá cọ, tường bằng đất trộn rơm. Tài sản của đôi vợ chồng trẻ khi ấy không có gì ngoài chiếc nồi mất vung và cái cuốc cùn. Tay cầm cuốc đến phỏng rộp, sỏi đâm chảy máu chân, rừng bắt đầu phủ xanh, những đứa trẻ lần lượt ra đời.
- Đầu những năm 1990 đói lắm cháu ơi. Hạn hán triền miên, mùa què mùa cụt. Cả làng sắn còn không có mà ăn. Cũng may mà còn có rừng nuôi.
- Rừng nuôi ạ?
- Đúng vậy. Đói bụng thì mò lên rừng hái từng nắm rau đắng, ngọn măng non. Trẻ con có khi ních căng bụng những quả đùm đũm, sim, mua, lúc ấy còn mọc bạt ngàn. Người thì đi đào củ mài. Người tìm nấm lành, mộc nhĩ. Đói nghèo thì thường hay bệnh tật. Thuốc thang nghèo nàn, nhiều đứa trẻ mất đi được chôn dưới những mảnh rừng này.
Khách bỗng thấy chùn chân, nhưng ngẩng lên chỉ thấy một màu xanh lặng lẽ, yên bình. Khách bới lớp lá mục nhổ mấy cây thuốc con, mùi đất bung ra dễ chịu. Với khách đất lúc nào cũng có mùi thơm, đó là thứ mùi vị của sự sống. Ráng chiều đỏ một vùng trời phía Tây, vài cánh cò bay về rừng. Bà Thoan giục khách mau về, đường còn xa, mùa này những cơn mưa thường bất chợt đổ xuống lúc tối trời. Khách vội treo những thang thuốc lên xe, buộc lại bó cây thuốc giống rồi quay ra hỏi bà:
- Cô ơi, thuốc hết bao nhiêu tiền cháu gửi ạ?
- Cháu cứ mang về cho mẹ uống. Cô cắt thuốc khỏi bệnh cho bao nhiêu người nhưng chưa lấy của ai đồng nào. Cây thuốc vốn là lộc của rừng. Nếu mẹ khỏi bệnh mà cháu có lòng thì lần sau đến chỉ cần mang theo gói bánh, thẻ hương hay cân hoa quả để cô thắp hương cúng thổ công, thổ địa là được. Mà nếu xa xôi quá thì thôi.
Khách đứng tần ngần ở sân, cảm động trước tấm lòng người đàn bà đã ngoài sáu mươi, khuôn mặt hằn nỗi lo toan nhàu nhĩ. Trong chiếc non mê cắp trên tay là nắm rau tập tàng bà hái vội ngoài vườn. Thằng nhỏ hồn nhiên khoe tối nay được ăn cơm với mớ tép đồng trưa này bà đội nắng đi tát dưới con mương nhỏ. Đôi bàn tay của bà đen đúa cả đời ngấm nhựa của rừng. Những bộ quần áo phất phơ trên dây phơi trước nhà đều đã sờn cũ cả. Ngay cả căn nhà cấp bốn, không sơn, màu xám xịt gợi cho người ta cảm giác u buồn. Dưới chân khách, rêu mọc lún phún trên mảnh sân bong tróc. Ở đây chỉ có rừng xanh ngát và tấm lòng thơm thảo của con người là dịu dàng ấm áp như vạt nắng chớm thu tháng tám.
Khách rời đi, lúc ngó qua gương chiếu hậu thấy thằng nhỏ vẫn đứng dưới cổng nhà nhìn theo. Lần sau đến khách sẽ mang theo những chiếc kẹo ngọt ngào dúi vào tay thằng nhỏ. Xe trôi trên con đường hun hút, trên trời những chú chim mẹ đang vội vã bay về tổ. Khách chỉ còn ngửi thấy thứ mùi thơm dìu dịu của rừng…
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹplần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹplần thứ 3 của BáoThanh Niênđề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trangSống đẹpcủa BáoThanh Niên.